“Chào buổi sáng” – cách bắt đầu một cuộc cách mạng tại Nhật Bản

Thứ tư, 26/02/2014, 10:34 GMT+7

“Chào buổi sáng” – cách bắt đầu một cuộc cách mạng tại Nhật Bản

    Đây là câu chuyện về một người đàn ông đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Ông ấy ngồi xuống một ghế đá bên cạnh tôi và nói: “Chào buổi sáng”.

    Có một ngôi đền ngay cạnh nơi mà tôi có thể ngồi lên những gờ đá, lắng nghe tiếng chuông buổi sáng và học hành. Sáng nay tôi cũng đang học như bao ngày khác và một người đàn ông người Nhật đã có tuổi đến ngồi bên cạnh tôi và hỏi tôi đang làm gì với khả năng tiếng Anh tuyệt vời. Tôi cho ông ấy xem cuốn vở của mình và nghĩ là ông ấy sẽ rời đi, nhưng thay vào đó là một cuộc hội thoại thú vị bắt đầu. 

“Anh có thấy những người trẻ ở kia không?” ông ấy hỏi.

“Nhìn kìa, họ đều đi theo nhóm - họ lúc nào cũng vậy. Những người già cả như chúng tôi thì lại luôn đi một mình, nhưng như vậy cũng không có nghĩa là chúng tôi không thân thiện, phải không?”

    Tôi gật đầu và lẩm bẩm nho nhỏ, không chắc lắm về nơi mà ông ấy đang hướng mắt tới. Tôi có cảm giác cuộc hội thoại sẽ rơi vào tình huống mà hầu như tôi là người “ngồi nghe”. Linh cảm của tôi có vẻ không đúng lắm bởi cuối cùng chúng tôi đã nói chuyện hơn một tiếng đồng hồ.

“Đây chỉ là ý kiến của một người già ở Nhật” ông nói, “nhưng kể cả có đi cùng nhau thành nhóm thì hầu như những người trẻ đó vẫn cảm thấy cô đơn. Tôi thấy thương cho họ. Anh có biết tại sao không?”

    Tôi nhún vai và nhấp một ngụm trà.

“Họ không giao tiếp. Họ thực chất đều đang tổn thương bên trong bởi họ không thể liên kết với người khác. Có những người trẻ đã sống ở nơi này 10 năm nhưng chưa bao giờ rời khỏi nhà và giao thiệp với người khác. Họ sợ. Tại sao người ta lại thấy sợ khi nói chuyện với người khác? Ở nơi cậu sống có như vậy không?”

    Tôi nhớ lại khu phố mà tôi từng sống, nơi chúng tôi khó mà biết được rõ tên ai với ai, cùng lắm chỉ nói hay chào nhau một câu.

“Tôi nghĩ đó là vấn đề ở mọi nơi – không chỉ ở Nhật Bản.” Tôi trả lời.

“Vấn đề là ở chỗ không có sự giao tiếp. Hôm qua tôi đi chợ và xung quanh tôi thậm chí không có lấy một người nói lời chào buổi sáng. Việc đó đâu phải quá khó khăn, phải không?” Ông xoa bóp bàn tay nứt nẻ của mình. “Và khi những người có tuổi chúng tôi cố gắng nói chuyện với những người trẻ như thế, họ lại nghĩ rằng chúng tôi bị điên. Họ ném đá vào chúng tôi và nói chúng tôi chết đi. Những người già cả hơn tôi thậm chí vẫn còn những vết sẹo trên mặt bởi những hòn đá đó. Họ nói với tôi rằng vẫn khó mà ăn cơm vì miệng vẫn còn đau. Tôi không trách họ. Cha mẹ họ hẳn phải là những người khủng khiếp và họ cũng hẳn phải kìm nén sự bực tức khó chịu trong lòng vì không bao giờ biểu lộ điều đó ra ngoài.” 

    Ông nhìn ra xa và chỉ: “Cậu có biết gần Fukushima không? Có một bức tượng tưởng nhớ một cậu bé trai 16 tuổi. Cậu bé đã đã tự sát không lâu, và chúng tôi vẫn không hiểu vì sao. Một người họ hàng của tôi cũng đã làm thế. Tất cả mọi người đều phát điên rồi nhảy vào đường ray tàu điện ngầm. Nếu họ chỉ cần nói, chia sẻ với ai đó thì có thể chúng ta sẽ không phải chứng kiến rất nhiều tình cảnh này! Và bao nhiêu người hiện tại nói với cậu một câu đơn giản là “Chào buổi sáng”?

    Một cơn gió thổi mạnh làm khô những giọt mồ hôi chảy trên mặt tôi bởi cái nóng. Ông nói tiếp, “Cậu có biết một trường cấp 3 gần ga Ueno không? Họ có một đội bóng chày. Huấn luyện viên là một người đàn ông trung niên, anh ta dạy bọn trẻ cách đánh bóng. Bọn trẻ tập khá tốt, nhưng anh ta gọi chúng đến và nói với chúng rằng “Các em phải cười lên!”

“Tất cả những căng thẳng trong những người trẻ này thật là một điều đáng buồn. Nhiều năm trước chúng tôi làm việc cật lực trên cánh đồng và trồng lúa. Giờ chúng tôi sống ở nơi mà chỉ cần nhấn nút là mọi thứ tự nó hoạt động. Cuộc sống trước kia khó khăn biết bao, nhưng vẫn có một câu châm ngôn tiếng Nhật, anh biết không, đó là cái khó làm nên nhân cách tốt. Giờ những người trẻ đang phải đối mặt với cái khó một lần nữa và họ không biết làm ra sao cả. Họ không muốn làm. Họ tức giận với người khác vì họ không có sức mạnh để đối mặt với điều đó. Và mọi thứ ngày càng tệ đi. Anh nghĩ sao? Ở nơi anh sống thì sao?”

    Tôi nghĩ tới cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall”, chiến tranh, nạn đói, và những sự kiện gần đây thế hệ tôi phải đối mặt. “Chúng tôi cũng có vấn đề tương tự,” tôi nói, “Con người không giao tiếp và trở nên vỡ mộng vì họ không bao giờ nói về vấn đề của họ.

    Ông gật đầu và cười: “Và cười lên! Điều đó là quan trọng nhất! Những người già chúng tôi luôn luôn cười, kể cả những người đã 100 tuổi đi nữa - nếu cậu nhìn họ, họ sẽ luôn cười. Chúng ta phải lo lắng gì nữa chứ? Còn căng thẳng gì phải vượt qua nữa? Mọi thứ đều bình yên.” 

    Nhiều người có lẽ sẽ nghĩ thật kỳ lạ khi một người đàn ông có tuổi lại nói chuyện với một người nước ngoài bằng thứ tiếng Anh không chê được như vậy, nhưng dù vậy ông ấy vẫn tiếp tục. 

“Cậu có biết ở trường Ueno đó có một người chỉ đường không? Anh ấy là tình nguyện viên - một người già như tôi. Anh ấy chào học sinh khi chúng tới trường. Anh ấy nói “Chào buổi sáng” ít nhất 200 lần một ngày. Và anh ấy đã thay đổi thế giới. Đây là cách một cuộc cách mạng sẽ xảy ra ở Nhật Bản. Nó sẽ xảy ra với câu “chào buổi sáng!”

    Sau đó chúng tôi cũng nói chuyện với nhau. Ông ấy nói tôi nên tới ga Kita-Senju và gặp những người trẻ ở đó. Ông ấy nói có rất nhiều người cô đơn cần ai đó nói chuyện gần cổng vào.

    Trước khi chúng tôi từ biệt nhau, ông ấy đã nói một điều khiến tôi không bao giờ quên được.

“Cậu có biết từ hataraku không?”

“Có ạ, nó nghĩa là làm việc.” Tôi nói.

“Không. Thực ra nó là từ hata và rakuHata nghĩa là người khác. Và raku nghĩa là thư giãn, một cách sống yên bình. Vấn đề của mọi người là họ đã quên từ hata và cố gắng làm việc chỉ vì bản thân họ. Có cả những niềm vui khi làm việc vì người khác nữa.” 

    Chúng tôi bắt tay nhau và chia tay. Khi tôi định quay về, ông ấy cúi đầu thật thấp vài lần và cảm ơn tôi. “Tôi muốn cảm ơn đất nước của cậu vì đã giúp đỡ Nhật Bản,” ông ấy nói. “Chúng tôi đã lạc lối và mọi người đang chịu đựng quá nhiều. Điều đó rất ý nghĩa đối với tôi.”

    Tôi đeo ba lô lên vai và bước đi mặc dù chẳng biết là mình đang đi đâu. Cuộc đối thoại vẫn liên tục lặp lại trong đầu tôi sau đó vài tiếng. Thật kỳ diệu khi một người hoàn toàn xa lạ lại nói lên những điều tuyệt vời như thế, mà hầu hết chúng ta đều không biết. Chỉ cần ngồi xuống cạnh một ai đó và nói:“Chào buổi sáng”. Tôi đồng ý với người đàn ông đó. Đấy là cách một cuộc cách mạng xảy ra - không chỉ ở Nhật Bản, mà ở cả quê hương tôi nữa.

NGUỒN

http://japanest.com/


Người viết : admin


Copyright © 2013